Sáng ngày 11/10/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam 2023. Tham dự Hội nghị có ông Phạm Tất Thắng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Hà Kim Ngọc – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội; ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; ông Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các đồng chí Phó Chủ tịch, Uỷ viên Ban Thường trực, Ủy viên Ban Chấp hành VCCI khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng đại biểu là các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, lãnh đạo của gần 100 hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh/thành phố, hiệp hội ngành hàng trên toàn quốc.
Về phía Hội doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) có ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội HAMI, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà và ông Nguyễn Công Cường - Phó Chủ tịch Hội HAMI, Giám đốc Công ty VNET GPS.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch VCCI, cho hay: Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900 nghìn doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp FDI, các hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.
Với nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.
Tại hội nghị, lãnh đạo VCCI cũng đưa ra 5 gợi ý để lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nhân cùng nhau trao đổi, thảo luận: Công tác xây dựng các hiệp hội doanh nghiệp vững mạnh; liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội và giữa các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và kinh tế đất nước; xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam, phát triển doanh nghiệp bền vững; cuối cùng là các đề xuất và kiến nghị.