Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các công ty Nhật Bản với tư cách là quốc gia mà họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong tương lai. Với dân số khoảng 100 triệu người và độ tuổi trung bình chỉ hơn 30, là thành viên của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP11) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có nền kinh tế ổn định, tăng trưởng. Thị trường Việt Nam hiện đang thu hút sự chú ý với tư cách là cơ sở để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và là thị trường tiêu dùng.
Nhằm xúc tiến thương mại quốc tế, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội (HAMI) đã nhận lời tham gia Hội thảo giới thiệu về tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam của Cục công nghiệp OSAKA - Nhật Bản. Hội thảo này sẽ cung cấp thông tin các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cho các công ty Nhật Bản đang xem xét mở rộng kinh doanh sang Việt Nam. Chương trình đã được phát trên website nội bộ và kênh Youtube của Cục công nghiệp OSAKA - Nhật Bản.
Xem tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=_BQ9EBxCH7o
Tham gia Hội thảo, ông Lê Vĩnh Sơn đã giới thiệu tổng quan về Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội (HAMI) trong đó nhấn mạnh Hội HAMI là tổ chức gồm các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu của thành phố Hà Nội, trong đó có 22 doanh nghiệp có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng như: Tập đoàn Sơn Hà; Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông... Thậm chí có những doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng/năm như: Công ty Cổ phần Vicostone, Tổng công ty May 10, Tập đoàn SunHouse... 12 doanh nghiệp nằm trong tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 10 doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu. Các doanh nghiệp tham gia HAMI gồm 08 nhóm ngành công nghiệp gồm:
- Điện, Điện tử
- Công nghệ thông tin, kinh tế số
- Hóa chát, cao su, nhựa, dược phẩm
- Cơ khí, chế tạo
- Chế biến nông sản, thực phẩm
- Dệt may, da giày cao cấp
- Vật liệu xây dựng
- Sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Với mong muốn phát triển thị trường, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài, Hội HAMI rất mong có cơ hội được giới thiệu về các doanh nghiệp sản xuất của Hà Nội tới thị trường OSAKA – Nhật Bản.
Trong phát biểu của mình, ông Lê Vĩnh Sơn cũng đã trao đổi thêm về những lưu ý dành cho dành nghiệp Nhật Bản khi muốn đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản trong góc nhìn của người lao động Việt Nam là nơi có môi trường làm việc rất tốt, người lao động được tôn trọng và phát triển bản thân. Đây là yếu tố tích cực và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật Bản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật Bản cũng thường lựa chọn đối tác kinh doanh theo tiêu chú lựa chọn yếu tố "tin cậy". Hội HAMI với các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xét chọn sẽ đảm bảo yếu tố tin cậy đó, vì vậy ông Lê Vĩnh Sơn cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản hoàn toàn có thể tin tưởng lựa chọn các đối tác, bạn hàng là các doanh nghiệp chủ lực HAMI.