Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam năm 2023, Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) phối hợp cùng VINEXAD tổ chức Hội thảo với chủ đề "Phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế - Góc nhìn từ người trong cuộc" vào chiều ngày 7/4/2023 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô. Tham dự Hội thảo, về phía Hội HAMI có ông Nguyễn Công Cường - Phó Chủ tịch Hội HAMI, ông Nguyễn Đình Trọng - Phó ban Thường trực ban Đào tạo và ông Lại Hoàng Dương - Phó ban Thường trực ban Truyền thông. Về phía đối tác của HAMI - Hiệp hội doanh nghiệp Italia tại Việt Nam (ICHAM) có ông Federico Vasoli - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ý tại Việt Nam (ICHAM) và Ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Ý tại Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo được đón tiếp 2 vị diễn giả đến từ các doanh nghiệp sản xuất và thường xuyên có các giao thương quốc tế là Tổng Công ty May 10 và Tập đoàn 911 là ông Bạch Thăng Long - Phó tổng giám đốc thường trực Tổng Công ty May 10 và bà Đàm Việt Anh - Giám đốc Tập đoàn 911. Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Công Cường - Phó Chủ tịch HAMI đã có bài phát biểu đề dẫn trong đó đã đưa ra bối cảnh giao thương quốc tế hiện nay. Bài phát biểu đã nhấn mạnh rằng Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thé giới nhưng trong đó cũng ẩn chứa những nguy cơ tranh chấp, lừa đảo, để phòng tránh rủi ro các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hoàn thiện mình, phải có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp tại các thị trường quốc tế. Với kinh nghiệm xuất khẩu của Tổng công ty May 10, ông Bạch Thăng Long - Phó tổng giám đốc Thường trực Tổng Công ty May 10 đã chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động kinh doanh xuất khẩu, đó là việc lựa chọn các thị trường xuất khẩu, Tổng công ty May 10 hiện đang lựa chọn các thị trường lớn, có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Australia,...Đây là những nước có quy mô thị trường lớn, hệ thống tài chính thanh toán mạnh. Khi đã xác định thị trường mục tiêu thì Tổng công ty May 10 cũng lựa chọn hợp tác với các nhãn hàng lớn có khả năng duy trì số lượng đơn hàng. Ưu tiên giao thương với các nước có hiệp định thương mại tự do song phương để khách hàng được hưởng các chính sách về thuế và có giá cạnh tranh trên thị trường. Tổng công ty May 10 cũng luôn áp dụng các điều kiện thanh toán mang tính an toàn cao như thanh toán áp dbằng thư tín dụng L/C, Thanh toán trả trước,... Khác với Tổng công ty May 10, Tập đoàn 911 với hoạt động sản xuất và nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng cho ngành xây dựng thì chia sẻ từ phía bà Đàm Việt Anh - Giám đốc Tập đoàn 911 đem đến góc nhìn khác về những rủi ro trong giao thương. Dưới góc nhìn này, rủi ro tồn tại ở những vấn đề về tiền tệ, về chính sách và pháp luật, hoạt động vận chuyển và thời gian giao hàng, chất lượng và độ tin cậy của hàng hóa, khả năng thanh toán và rủi ro về ngôn ngữ. Đặc biệt với những kinh nghiệm của Tập đoàn 911 trải qua trong thời điểm Covid-19 diễn ra với nhiều diễn biến đa chiều, khó lường ảnh hưởng đến kinh tế trong 2 năm vừa qua, bà Đàm Việt Anh đã nhấn mạnh 8 lưu ý khi giao thương quốc tế đó là doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường; Xây dựng mối quan hệ tốt với đối tác; Cẩn trọng trong đàm phán, thương thảo hợp đồng; Sẵn sàng đối phó với rủi ro tín dụng; Tập trung kiểm soát chi phí; Thường xuyên theo dõi và đánh giá thị trường và Sử dụng các công cụ bảo hiểm. Với vai trò của tổ chức thương mại quốc tế và kinh nghiệm của một luật sư, ông Federico Vasoli - Phó Chủ tịch ICHAM đã đưa ra một số tư vấn trong thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế và một số tình huống thực tế. Tiếp nối phần trao đổi của ông Federico Vasoli Ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc điều hành ICHAM cũng đã khuyến cáo một số biện pháp phòng tránh rủi ro thương mại đó là: Kiểm tra kỹ lưỡng đối tác (KYC, NDA); Tìm hiểu các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đặc thù thị trường; Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; Cẩn trọng thanh toán quốc tế và đặc biệt nhấn mạnh việc doanh nghiệp Việt cần có thói quen trong sử dụng các dịch vụ pháp lí. Tiến sĩ Nguyễn Đình Trọng - Phó ban Đào tạo HAMI, Chủ tịch Tập đoàn T-TECH Việt Nam cũng đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn kinh doanh và giao thương quốc tế của ông. Những chia sẻ của ông gây sự hứng thú lớn đối với các khách mời.
Phần cuối của chương trình, các diễn giả và khách mời đã có cùng ngồi tọa đàm và có những trao đổi với khách mời tham dự chương trình, các ý kiến về rủi ro trong hình thức thanh toán L/C hay kinh nghiệm trong xử lý tình huống pháp lý nảy sinh trong giao thương thực tế cũng được khách mời và diễn giả trao đổi mang tính chất tập trung và chia sẻ cởi mở.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, chương trình đã được lan tỏa tới hơn 100 khách mời là các quản lý cấp trung, cấp cao của các doanh nghiệp hội viên HAMI và đối tác. Thương mại quốc tế được ví như “chìa khóa” mở ra những giao dịch kinh tế quốc tế cho một quốc gia nhưng nó luôn ẩn chứa những rủi ro, những hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ góp phần phòng tránh và mang lại hiệu quả cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung.